Bế Kiến Quốc, như lời nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, là người “đốt cháy mình cho sự nghiệp thơ ca”, “là một nhà thơ tiêu biểu của lớp chống Mỹ về khát vọng sống, lý tưởng sống”.
Anh là nhà thơ của nỗi buồn hơn là nhà thơ của những câu thơ hào sảng “Sinh ra ở đâu mà ai cũng là anh hùng/ Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông” (Những dòng sông). Mà ngay cả những câu thơ có chất hào sảng ấy cũng đậm chất trữ tình, buồn buồn.
Bế Kiến Quốc là người nghiện thuốc lá. Đồng nghiệp ít khi thấy anh làm việc mà thôi hút thuốc. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét anh “là người trầm tính và luôn nghiền ngẫm”. Có lẽ vì vậy mà thuốc lá và thơ là nơi để anh giãi bày tâm trạng nhiều nhất.
Con người ấy, với đôi mắt buồn xa xăm, đã nói lên được tấm lòng nhân đạo của mình
“Tất cả cái no vô nghĩaNếu chỉ đói một ngườiTất cả vô nghĩa niềm vuiNếu chỉ buồn đau một ngườiTất cả tự do cũng vô nghĩaNếu chỉ một người bị nô lệTất cả công bằng cũng là không”(Nhớ Na- dim Hik- met)
Đoạn thơ trên có thể khái quát tất cả những gì anh nói về thơ ca: “Thơ có giá trị là thơ phải nâng cao tâm hồn con người”, “nói được tiếng nói của thời đại, của đất nước”, “thơ phải luôn luôn hướng về phần sáng của cuộc đời”.
Thơ Bế Kiến Quốc còn mang đến cho người đọc một tâm trạng xuyến xang khó tả. Chỉ bằng cách diễn đạt những ngôn ngữ đời thường, dung dị, nhưng ta thấy được một tâm hồn thơ buồn- đẹp thế nào.
Mọi thứ với Bế Kiến Quốc “Yêu đã xong, ân oán cũng xong rồi”. Anh như thể đã vứt bỏ được hết bụi trần để về “Một mình anh ca điệu lý qua cầu” (Lý qua cầu). Vì vậy rốt cuộc anh vẫn còn vương nợ nhiều lắm với thế gian. Có lẽ thế mà thơ anh vẫn phả vào hồn người đọc nhiều thế hệ mai sau.
Anh thấy rõ “Lích cha lích chích vành khuyên/ mổ từng hạt nắng đọng nguyên sắc vàng (Hoa tầm xuân). Anh đã quan sát tỷ mỉ đến từng chi tiết. Sự quan sát lại vừa mơ vừa thực. Anh cũng như chú chim kia thấy tiếc thời gian quá. “Thấy thương con nhện lang thang/ giăng tơ/ cứ tưởng thời gian mắc vào” (Hoa tầm xuân)
Trong Bài thơ không tên số mười, ta thấy anh như đã ngộ ra chân lý ở đời: “Sao cứ mong một cái gì hoàn thiện/ Trong cõi đời không thể nào hoàn thiện?/ Sao cứ muốn một điều gì vĩnh cửu/ Trong thể gian không vĩnh cửu bao giờ”. Thơ anh toát lên một cái gì đó mà ở cõi Cực Lạc mới có. Những suy tưởng của anh như là những suy tưởng của những vị trích tiên bị đày đọa xuống hạ giới. Thế giới trở nên nhẹ nhàng nhưng đầy lắng suy tư cứ thế chảy suốt nguồn mạch thơ anh.
Thơ anh không chỉ hướng vào nội tâm thẳm sâu của con người mà còn hướng đến thế giới đầy biến động.
“Có lẽ ta đã thấyTrong phút giây xanh thẳm đêm khuyaNgôi đền chói vàng lộng lẫyNơi ta sẽ trở vềTrên một tia sao cháy bỏng”
Rồi anh lại nghi hoặc như đứa trẻ về thế giới xung quanh, về ngày mai
“Nào ai biết bao giờ là tuyệt đíchMọi niềm vui, mọi vẻ đẹp trên đờiNào ai biết sẽ ra sao ngày mai”(Khoảnh khắc Matxtcơva)
Thơ anh có ảnh hưởng tới nhiều người làm thơ cùng thế hệ. Anh ít khi có những phát ngôn ồn ào về thơ nhưng chính những bài thơ của anh đã nói lên niềm say mê cực độ của anh đối với thi ca, nói lên sự ồn ào mà anh đã khai sinh ra mỗi bài thơ. Ta đọc thấy tâm hồn anh giống như tâm hồn Exenin. Những tâm hồn đồng điệu, nói về mình nhưng lại nói cho muôn người. Exenin với những bài ca nước Nga vàng thì Bế Kiến Quốc với những bài ca “Những dòng sông”*. Exenin có “Thư gửi mẹ”, Bế Kiến Quốc có “Nhớ mẹ”*. Cả hai đều có sự chân thành khi nói về mẹ.
Anh có những câu thơ đẹp đến mê hoặc: “Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng/Sao bóng hoa trên tường lại đen”. Đây là hai câu thơ có thể xem như phong cách sáng tạo thơ của Bế Kiến Quốc. Thật là hai câu thơ khiến nhiều thi sĩ “Chẳng mơ gác tía lọng vàng/ Chỉ mơ một chữ xốn xang hồn người” (Thơ Bùi Minh Quốc).
Hoa huệ thì trắng nhưng bóng nó lại đen. Anh đã nhìn ra sự đối lập của bông huệ trắng. Có lẽ nó cũng như tình yêu, khi đẹp thì đẹp vô cùng, khi tan nát thì nát tan cõi lòng, như màu đen héo úa. Nó như tình yêu cũng hai mặt trắng đen đó.
Và đây là những câu thơ do dự của anh về tình yêu. Một sự thiếu quyết đoán, không tin vào tình yêu. Nhưng đó cũng là một sự chân thành, thẳng thắn.
“Chưa có gì cho chúng mình yêu nhauChưa có cánh hải âu gọi đi bờ bến lạTầm hồn ta là con tàu cũ kỹLàm sao mà ra khơi »(Gửi)
Hai câu cuối của khổ thơ trên nhắc ta nhớ đến một nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, đó là nhà thơ « Ông đồ » Vũ Đình Liên, « Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa » (Lòng ta là những hàng thành quách cũ). Có cái gì đó lưu lại đậm nét nhất từ xa xưa trong tâm hồn Bế Kiến Quốc, có lẽ đó là cái thiền của Phật
« Tôi phải đi một ngày đã tậnYêu đã xong, ân oán cũng xong rồiTôi tịch diệt giữa cõi trần bụi bặmAnh hào quang lìa hẳn cảnh luân hồiCó thương tiếc xin đừng thương tiếc quáBuồn đủ buồn như mọi cuộc chia lyTôi để lại không mang theo gì cảThật nhẹ nhàng, như gió, lúc ra đi”(Không đề 1)
Giờ đây , Bế Kiến Quốc đã về với “Thế giới đẹp” [1] của anh. Nhưng những gì anh để lại cho đời sẽ “Mãi mãi ngày đầu tiên”*.
{{item.Body}}
{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} |
{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}
Viết bình luận
Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.