NGƯT Vũ Thế Khôi
Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn (Hà Nội) chính là một cội nguồn văn hoá-xã hội sâu xa của phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục.

5.1. Hội Hướng Thiện kết thúc khi nào ?
Một lần nữa, Nho sĩ Hà thành lại phải thay đổi hình thức và nội dung hoạt động. Về tổ chức, theo lược sử bằng chữ quốc ngữ nói trên, hội Hướng Thiện đã chia nhỏ thành ba "phả": Tập Thiện phả, Lạc Thiện phả và An Lạc phả. Chữ "phả" nhấn mạnh tính chất tín ngưỡng, chức năng thờ cúng của các tổ chức này. Một điều có thể khẳng định là phải sau năm 1872, tức sau khi Nguyễn Văn Siêu mất, đền Ngọc Sơn mới có cơ hội trở thành ngôi đền tam giáo (Nho, Phật, Lão - với Trương Á Tử đời Tấn bên Tầu, tự xưng là Tử Đồng đế quân, sau người Trung Hoa tôn lên làm Văn Xương đế quân), chứ không phải ngay từ đầu nó đã là thế như một số tác giả viết về di tích này. Chứng cớ là các hoành phi, câu đối mang nội dung Đạo giáo (chiếm một tỷ lệ rất nhỏ ở trong đền: 3/41 câu đối) chỉ có niên đại cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Bức hoành phi "Độ thế hữu đan" (Cứu đời đã có linh đơn, tức thuốc tiên), liên quan thánh Lã Tổ trong Đạo giáo (được tôn làm Phù Hựu đế quân, tổ nghề y), có niên đại thậm chí là 1940. Và mặc dù ngay từ đầu đền này đã in khá nhiều kinh Đạo giáo, nhưng đó là việc thường làm của tất cả các cơ sở in ấn muốn đáp ứng nhu cầu xã hội. Chỉ từ thời kỳ sau năm 1873, do những tai hoạ liên tiếp giáng xuống đầu mọi người cùng với chiến tranh, loạn ly (nước mất, nhà tan) bắt đầu thịnh hành trong đền Ngọc Sơn cái tệ cúng bái, lên đồng, cầu tài cầu lộc mà Nguyễn Văn Siêu và Đặng Huy Tá đã cảnh báo.
5.2. Vai trò của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp
5.2.2. Nguyễn Trọng Hợp quả là có quan hệ thực với các phả Thiện ở đền Ngọc Sơn, nhưng không phải để "kìm hãm" Nguyễn Văn Siêu như có nhà nghiên cứu đã viết, bởi lẽ đơn giản ông Siêu mất năm 1872, mà suốt thời gian từ khi đỗ tiến sĩ năm 1868 đến 1873 ông Hợp là Tri phủ Xuân Trường - Nam Định, rồi được điều về Huế làm Phủ doãn Thừa Thiên, tức vắng mặt ở Hà Nội thì kìm hãm sao được. Trong một sách chữ Hán về các di tích văn hoá ở Hà Nội, được biên soạn khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ở đoạn viết về đền Ngọc Sơn có ghi: Kinh lược sứ Bắc kỳ Nguyễn Trọng Hợp năm 1886 "suất" (tức lãnh đạo, dẫn dắt) phả Lạc Thiện trùng tu và làm thêm đồ thờ cúng trong đền, năm 1897 trùng tu cầu Thê Húc. Điều đặc biệt cần chú ý là không thấy sách này ghi quan Kinh lược đầy quyền uy "suất" một đền chùa nào khác nữa, chứng tỏ ông có "chủ trương" riêng (xin nhắc lại: đây là chữ dùng trên câu đối trong đền Ngọc Sơn) đối với cả ba phả Thiện đền Ngọc Sơn, mặc dù mỗi phả có Phả trưởng, Phả phó riêng. Chủ trương mà cháu họ Nguyễn Văn Siêu và học trò Nguyễn Văn Lý đưa ra nhằm thống nhất hành động trong hoàn cảnh cùng khốn mới, đó vẫn là: "tàng", tàng thật sâu dưới cái vỏ tín ngưỡng dân tộc để lấy Thiện tu thân, duy trì bằng được những điều quan Cơ mật viện đại thần đã kiên quyết bảo vệ trên bàn đàm phán với kẻ thù, là văn hoá (cũng tức là lòng dân!), để "chờ thời mà hành động". Tín ngưỡng thuận lợi nhất cho mục tiêu này là tục thờ Đức Thánh Trần. Đó là lý do tại sao hai phả giữ lại chữ "Thiện" trong tên gọi mới (Tập Thiện, Lạc Thiện), mà phả thứ ba lại mang tên An Lạc, tức ấp An Lạc, theo Ngô Giáp Đậu viết trong sách "Nam Định địa dư chí" là quê hương Trần Hưng Đạo.
5.3. Trần Hưng Đạo được thờ trong đền Ngọc Sơn từ khi nào ?
Một số tác giả viết về đền Ngọc Sơn cho rằng Trần Hưng Đạo được thờ trong đền này ngay từ khi sáng lập hay cùng lắm là chỉ "một thời gian sau", nhưng họ không đưa ra được bất cứ căn cứ nào. Vấn đề không phải ở chỗ sớm muộn vài chục năm mà có ý nghĩa nguyên tắc đối với chủ đề của luận văn này, nên cần làm sáng tỏ. Chúng tôi khẳng định rằng trước năm 1887 không hề có hiện tượng thờ cúng Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn vì:
* Những người sáng lập hội Hướng Thiện, như trên đã nói, rất chú trọng đề tài về các anh hùng cứu quốc, vậy mà Vũ Tông Phan (mất năm 1851), Lê Duy Trung (mất năm 1863), Nguyễn Văn Lý (mất năm 1868) và Nguyễn Văn Siêu (mất năm 1872) không viết chữ nào về việc phụng thờ Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn;
* Trong sách "Les pagodes de Hanoi", xuất bản năm 1887, G. Dumoutier miêu tả khá kỹ lưỡng đền Ngọc Sơn, chỉ nói đến Quan Đế và Văn Xương, không hề nhắc tới Trần Hưng Đạo mà nếu có thờ ở đây thì chắc chắn ông đã viết vì vốn quan tâm lịch sử Việt Nam.
Như vậy việc thờ Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn chỉ xuất hiện sớm nhất là cùng với sự ra đời của phả An Lạc mang tên quê hương Ngài. Trong đền hiện còn treo câu đối của Phó trưởng môn Hồ Đình hoàng giáp Lê Đình Diên. Lạc khoản vế thứ nhất ghi: "Tháng giữa hè năm Ât hợi (1875) triều Tự Đức, nguyên Đốc học Hà Nội Lê Cúc Linh soạn"; lạc khoản vế thứ hai ghi: "Ngọc Sơn Lạc Thiện phả cung tiến". Đã có phả Lạc Thiện, đương nhiên có hai phả kia. Như vậy có lẽ hội Hướng Thiện chia làm 3 phả ngay sau khi Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872 và quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1873. Vậy việc phụng thờ Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn sớm nhất cũng chỉ có thể bắt đầu từ thời điểm đó. Tuy nhiên việc thờ ấy chỉ thực sự có ý nghĩa như Nguyễn Trọng Hợp chủ trương ("tàng", tức duy trì chí khí và nhân tâm của sĩ phu và dân chúng thông qua hoạt động văn hoá dân tộc) từ đầu triều vua yêu nước Thành Thái (lên ngôi năm 1889) mà Nguyễn trọng Hợp làm Phụ chính đại thần. Khoảng từ thời gian đó bắt đầu việc lập đàn Thiện ngồi đồng để cầu xin thần thánh giáng bút, gọi là "phù kê". "Phù kê" có từ xưa, nhưng nay có hai điều kỳ lạ: một là, chư vị thần thánh giáng bút đều là người Việt, nhiều nhất là Đức Thánh Trần và Mẫu Liễu Hạnh (dẫu có khi giáng bút bằng chữ Hán!), và hai là, các bài kinh thường thấm đậm đạo lý cổ truyền, răn dạy đệ tử và chúng sinh giữ đạo "nhân nghĩa" và lòng "trung hiếu".
Trong nhiều tập kinh "giáng bút" hiện lưu trữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội chúng tôi đã tìm thấy trong 4 sách bài "Chính kinh" (chữ "chính" với nghĩa đã phân tích ở trên) hoặc "Chân kinh" (chữ "chân" trong từ chân chính) do Đức Thánh Trần "giáng bút", khắc in các năm 1894, 1900, 1904 và 1909 tại các đền Ngọc Sơn và Hà Yên (Hà Nội) và một số đền khác ở Nam Định, Hải Dương. Ở 1 trong 4 sách đó có lời Tựa và Phàm lệ giải thích rõ bài kinh này được Đức Thánh Trần "giáng bút" (bằng chữ Hán, sau mới được diễn Nôm, tức chuyển dịch sang tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm) ngày Rằm tháng 11 năm Tân mão (1891) đời vua Thành Thái ở đền thờ vọng Hà Lạc (Hà Nội - Trúc Lạc phố, ở trên bờ hồ Tây), đã đệ trình hai đền thờ chính Nam Lục (tức đền Bảo Lộc ở xã Mỹ Phúc ngoại thành Nam Định) và đền Vạn Lạc (tức đền Vạn Kiếp ở Hải Dương), các đền vọng Hà Lạc và Hà Yên (Hà Nội - Yên Ninh phố) biên tập kiểm lại, hai đền Hà Yên và Ngọc Sơn viết chữ khắc in, bản khắc lưu trữ tại đền Hà Yên, và cuối cùng đã "hội đảo" (tức hội họp cầu đảo) nghênh đón bài văn giáng bút này tại đền Ngọc Sơn.
Rõ ràng chỉ từ đây, tức từ năm 1891 tục thờ cúng Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn cũng như tại các đền miếu ở Hà Nội và ở các địa phương mới không nặng về cúng bái, cầu tài cầu lộc, trị đuổi ma tà nữa, mà đã mang một nội dung mới, tiếp nối truyền thống văn hoá-xã hội của hội Hướng Thiện và gắn liền với phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các Nho sĩ đã mượn lời Đức Thánh Trần để kêu gọi mọi người gìn giữ đạo lý cổ truyền với năm rường mối:
"Làm con thì phải làm sao chí hiếu,
Làm tôi thì phải làm sao tận trung,
Anh em thì phải làm sao thuận hoà,
Vợ chồng thì phải làm sao thực kính,
Bè bạn thì phải làm sao thực tín!"
Trong bối cảnh không ít kẻ cơ hội bợ đỡ giặc để phất lên nhanh chóng, ăn chơi sa đoạ, Đức Thánh Trần cảnh tỉnh: "Các ngươi đã quy làm đệ tử ở cửa ta thì hãy mau mau tỉnh ngộ, làm điều thiện, trừ điều ác <...> Tệ hám tửu sắc, tham bạc tiền đều kiên quyết mà dứt bỏ, thói ngạo mạn, tham ô thảy nghiêm hình mà diệt trừ <...>. Sĩ, nông, công, thương, người nào việc nấy, không vương phận bọt bèo nổi trôi...". Và Ngài cũng không quên chống tệ mê tín cầu cúng khi dạy bảo rằng nếu làm theo được "nhân nghĩa" của Ngài, gìn giữ được lòng "trung hiếu" của Ngài thì "tự khắc thần yêu, quỷ sợ, hoạ đi, phúc đến; bất tất phải cầu xin thần uy của ta... ".
5.4. Hoạt động mở rộng của các phả Thiện đền Ngọc Sơn
* Trong số phả viên An Lạc có con cháu và môn sinh các vị sáng lập hội Hướng Thiện, tức là họ vẫn nối tiếp sự nghiệp của cha ông và thày học: Vũ Cư (đích tôn của Vũ Tông Phan), Bùi Ngọc Đường, Bùi Huy Tấn (cháu họ của Bùi Huy Tùng), Vũ Cẩn và Vũ Hán Bích (con cháu Vũ Đức Quang), Nguyễn Huy Liên (cháu Nguyễn Huy Đức), Hoàng Đạo Thành (môn sinh Nguyễn Văn Siêu), Nguyễn Duy Nhiếp (con Nguyễn Trọng Hợp) v.v...
* Mối quan hệ mật thiết của các phả Thiện đền Ngọc Sơn với Đông Kinh nghĩa thục: cùng với họ tên các phả viên đóng góp tiền công đức, có khắc tên của hai yếu nhân trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục sau này là cử nhân Lương Văn Can và hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền.
Chính nhân tố này đã thúc đẩy các phả Thiện Ngọc Sơn nhanh chóng dấn thân, chuyển từ "tàng" sang "hành" với "Vụ đền Ngọc Sơn" nổi tiếng tháng 3 năm Bính Ngọ (1906), tiếp ngay là vụ diễn thuyết Rằm tháng Giêng năm sau, 1907, đã nhắc đến ở đầu báo cáo này của hai "cậu Cử" Lương Trúc Đàm và Dương Bá Trạc, đều bị cảnh binh Pháp ập đến vây bắt. Chúng tôi cho rằng hội viên của 3 phả Thiện Ngọc Sơn chắc hẳn đã trở thành một lực lượng đáng kể triển khai hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục chẳng những ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương, bởi vì trên bia nói trên có khắc tên một số phả viên An Lạc từ Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây.
Một điều càng thú vị nữa là trên tấm bia công đức của phả An Lạc còn khắc tên của một loạt các vị quan đương chức trong triều Nguyễn và chính quyền bảo hộ, trong đó nhân vật rất đáng chú ý là Tuần phủ Bắc Ninh Đoàn Triển (1854-1919, đỗ cử nhân năm 1886), sau còn thăng đến Tổng Đốc Bắc Ninh và Nam Định. Về tư tưởng duy tân giáo dục của Đoàn Triển thì E. Poisson đã viết. Chúng tôi chỉ xin bổ sung hai điều: một là, theo một tấm bia mới phát hiện năm 2001 ở làng Hữu Thanh Oai huyện Thanh Trì Hà-Nội Tuần phủ Đoàn Triển đã tự bỏ tiền, ruộng của mình ra để lập tại đây từ năm 1906 một trường dạy chữ quốc ngữ và những môn học theo học quy mới mà chính ông đã kiến nghị. Ông cùng một vị quan lớn khác là Tổng đốc Bắc Ninh phó bảng Phạm Văn Thụ thường đứng tên với một số Nho sĩ như Phạm Huy Hổ, Ngô Giáp Đậu, Hoàng Đạo Thành biên soạn "tân thư" cho nền tiểu học và trung học mới. Phải chăng họ cũng ra làm quan theo chủ trương "tàng" của Nguyễn Trọng Hợp mà học giả phương Tây nọ đã đoán ra thâm ý? Có lẽ phải nghiên cứu kỹ hơn về liên hệ tư tưởng và những quan hệ thực tế khác nhau (người chống phá, người ngấm ngầm ủng hộ) của các ông quan thời kỳ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX với phong trào văn thân yêu nước, bởi dẫu sao họ vẫn cùng một hệ tư tưởng Nho giáo và cùng một lò đào tạo.
5.5. Các hoạt động hậu Đông Kinh nghĩa thục
Chính quyền cảnh giác là phải lắm, bởi vì một số tài liệu gia phả cho thấy: có hậu Đông Kinh nghĩa thục.
Mặc dù mới hoạt động được có 7 tháng đã bị chính quyền thực dân đóng cửa, nhưng những tư tưởng và phương thức hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục đã lan tràn khắp Việt Nam, ngấm vào các cơ sở văn hoá-xã hội truyền thống như đền, chùa, thục xá, mà bây giờ - vì tránh chữ "thục" đã mất tín nhiệm với nhà cầm quyền chăng? - người ta gọi là là "trường hương học", "học hiệu".
Đích tôn của cụ Nguyễn Văn Lý là Nguyễn Văn Đản (1876-?), cùng ông Tú Phật Tích (tú tài, hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở ở làng Phật Tích - Bắc Ninh, đi tù Côn Đảo về) lập trên nền trường Chí Đình một Đông Hưng học hiệu, phả ghi "rập khuôn theo trường Đông Kinh nghĩa thục". Muộn hơn, một người cháu nội khác là Văn Cẩm trong những năm 30 lập ra Hà Văn học hiệu ở tỉnh Hà Đông, cũng là một cơ sở hoạt động văn hoá yêu nước vì tham gia có Phan Anh, Trần Huy Liệu. Văn Cẩm sau này trở thành Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa của làng Trung tự trong Cách mạng tháng 8-1945.
Được trả tự do năm 1920 ông Nguyễn Hữu Cầu về mở hiệu thuốc Đông y ở Ngã Tư Sở - Hà Nội, tiếp tục thực hành "phương tiện". Chí khí mà Cụ "tàng", hẳn đã truyền được cho hai người con, một là nhà giáo nổi tiếng Nguyễn Hữu Tảo, Giám đốc tiểu học vụ đầu tiên trong Bộ Quốc gia giáo dục sau Cách mạng tháng 8-1945, và một người nữa còn nổi tiếng hơn với những việc từ thiện khai dân trí và trợ dân sinh là cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, tác giả bộ Hán Việt tự điển quen thuộc. Thiều Chửu tiếp tục làm những sách giáo dục đạo lý truyền thống và phổ cập kiến thức của Hội Hướng Thiện và Đông Kinh nghĩa thục. Ông tự biên soạn, quyên tiền in và phát không cho người nghèo: "Phép nuôi con" (1926), "Cách trí phổ thông"(1934), "Đạo đức phổ thông" (1935)... Thiều Chửu từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị giữ chức Bộ Trưởng Cứu tế xã hội trong Chính phủ Nhân dân lâm thời 1945, nhưng Cụ xin không nhận để dành thời gian và sức lực cho hoạt động xã hội.
Xin dẫn thêm một ví dụ nữa cho biết ảnh hưởng sâu rộng của Đông Kinh nghĩa thục. Gia phả của chi III họ Vũ làng Mộ Trạch huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương, phần tục biên năm 1933, cho biết: Tri phủ Yên Thế cử nhân Vũ Duy Đê, do có quan hệ với Hoàng Hoa Thám, lại thường lên Hà Nội họp hành với một số văn thân yêu nước nên bị viên Công sứ Pháp nghi ngờ, bèn xin về hưu sớm vào năm 1913, lúc mới 48 tuổi, và được chấp thuận ngay. Cùng người bạn tú tài ở thôn Hạ bên cạnh Mộ Trạch, thường vẫn đưa người con trai ông tên Điềm, 16 tuổi, lên nghe những buổi giảng định kỳ ở trường Đông Kinh nghĩa thục, ông Đê về mở các lớp theo chương trình tân học ở các huyện xã trong tỉnh Hải Dương. Trong số học trò thì "Xứ Nhu", Nguyễn Khắc Nhu, kém ông chỉ độ 6,7 tuổi nhưng đi đã phải chống gậy, là người thân tín, thường theo ông đến các nơi hoạt động hoặc ra Hà Nội họp.
Các tư tưởng yêu nước và duy tân của Đông Kinh nghĩa thục còn tiếp tục được truyền bá qua các buổi giảng các kinh "giáng bút" khác, phần lớn cũng của chư vị thần thánh dân tộc, từ sau Đông Kinh nghĩa thục được giáng bằng tiếng Việt, ghi qua chữ Nôm, phát âm lên mọi người hiểu ngay. Trong hồi ký "Nhớ nghĩ chiều hôm" học giả Đào Duy Anh đã để cả một chương miêu tả hiện tượng lập thiện đàn và "giáng bút", cũng ghi nhận rằng như một phong trào nó bắt đầu từ khi Pháp chiếm được Việt Nam, nhưng khẳng định nó chỉ phát triển mạnh mẽ do "từ năm 1908 trở đi, sau khi phong trào Duy Tân (Đông du và Đông Kinh nghĩa thục) thất bại, trước cuộc đàn áp của chính quyền thực dân, các nhà Nho ái quốc đã rút lui sau hình thức thiện đàn để tiếp tục tuyên truyền những tư tưởng ái quốc" (chúng tôi nhấn mạnh). Ông cũng cho biết có tới hơn bốn chục bản kinh bằng quốc âm được "giáng bút" trong khoảng từ 1908 đến 1929, và ngoài hai đền Ngọc Sơn và Quan Thánh mà quan Thống sứ đã "note", ông còn nêu con số đến năm chục Thiện đàn ở khắp các tỉnh miền Bắc từ đồng bằng Nam Định - Thái Bình cho đến vùng thượng du Thái Nguyên. Học giả Đào Duy Anh từng có trong tay một bản "Đạo Nam kinh", được giáng năm 1923 tại đàn Hưng Thiện xã Hạc Châu - Nam Định và do ông đồ trường làng Nguyễn Văn Tỉnh cầm bút ghi. Ông đã thuật lại khá chi tiết bố cục nội dung của nó, trích dẫn một số đoạn dài và kết luận rằng "Có thể nói đây là tác phẩm tập đại thành tất cả những tư tưởng của giới Nho học tiến bộ trong phần tư đầu thế kỷ XX về đủ mặt đạo đức, chính trị, xã hội, kinh tế...". "Đạo Nam kinh" được khắc bản in ra, rồi được in bằng quốc ngữ; được đem giảng tại Hoằng Thiện kinh đàn trong đền Ngọc Sơn và đền Quan Thánh ở Hà Nội, tại các Thiện đàn trong hầu hết các tỉnh, xâm nhập vào cả thánh địa của thực dân Pháp là "xứ Nam kỳ tự trị": nó từng được giảng tại chùa Nhã Nam ở tỉnh Cần Thơ (tạp chí Xưa & Nay, số 29 tháng 7-1996)!
Năm 1929 "Đạo Nam kinh" bị chính quyền thực dân Pháp tịch thu và huỷ, ông đồ Tỉnh và những người thuyết giảng bị bắt bớ cầm tù. Tuy nhiên, truyền thống bảo tồn "phần chủ yếu"là văn hoá dân tộc qua phát huy thuần phong mỹ tục để cố kết lòng người, chờ thời cơ hành động trong tương lai, vẫn được tiếp nối. Chứng cớ là bản kinh "Tâm pháp", cũng giáng năm 1923, nhưng tại Thiện đàn Phú Xuân ở làng Hữu Bằng huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây - một căn cứ truyền thống của sĩ phu yêu nước từ thời Cao Bá Quát và gần nhất là cuộc khởi nghĩa của nhà sư Vương Quốc Chính mà người cháu họ của Vũ Tông Phan là "Đồ Mậu", (tức ông đồ ở thục xá Mậu Hoà!) có tham gia. Đến năm 1935 bản khắc kinh "Tâm pháp" được ký gửi tại đàn giảng kinh đền Ngọc Sơn. Làn sóng khủng bố tàn bạo của chính quyền thực dân khiến kinh "Tâm pháp" phải khoác cái vỏ bọc tam giáo (Nho, Phật, Lão) dày hơn, nội dung bản kinh chỉ nói đến tu thân, gìn giữ đạo lý cổ truyền, tuy nhiên tư tưởng yêu nước thương nòi ở đoạn này đoạn nọ vẫn được khéo léo "tàng" vào "Kinh tâm pháp":
Cùng non nước, cùng hình dáng ấy,
Cùng giống nòi tự bấy nhiêu lâu,
Cùng chung khí huyết một bầu:
Tiên-Long ta vẫn trước sau ghi truyền.
Tình nghĩa lúc sinh tiền khôn xiết,
Cùng màu da, xác thịt trước sau,
Kể chi già , trẻ, nghèo giầu,
Vốn là cùng giống với nhau một loài.
Vẫn là cái hồn của "Đạo Nam kinh"! Cái hồn của Đông Kinh nghĩa thục! Chính vì vậy mà kinh "Tâm pháp" được "sư huynh" Xuân Sơn Hoàng Đình Đống, vốn trong số phả viên An Lạc có đóng góp dựng đàn giảng kinh năm 1903 và từ khoảng những năm 20 làm Phả trưởng phả Thiện Ngọc Sơn đã thống nhất trở lại, rồi "sư đệ" Xuân Tăng Vũ Bội Hoàn, con trai ông Vũ Cư mà ông Xuân Sơn thường đi lại thăm hỏi và trao đổi về việc của Phả, nối tiếp nhau giảng hơn chục năm ở đền Ngọc Sơn và các đền chùa một số tỉnh lân cận (Vũ Đình Hoè). Có thể coi họ là những đại diện cuối cùng của hội Hướng Thiện như một tổ chức hoạt động văn hoá-xã hội rộng rãi, lặng lẽ chuẩn bị hơn nửa thế kỷ cơ sở để cho Đông Kinh nghĩa thục có thể trong một thời gian ngắn bùng phát mạnh mẽ và rộng khắp. Phả Thiện Ngọc Sơn còn tồn tại một thời gian nữa, nhưng chỉ còn hoạt động từ thiện và bảo tồn di tích.
Thời thế đã đổi thay nên thế hệ thanh niên tiếp theo "hậu Đông Kinh nghĩa thục", dù vẫn giữ được tinh thần "nhân nghĩa", cốt cách "trung chính" và ý thức trách nhiệm của người có học trước đồng bào còn lầm than, nhưng đã thoát ly hẳn hệ tư tưởng Nho giáo, nhanh chóng tiếp thu giáo dục "Tây học", tiếp cận các tư tưởng dân quyền và dân chủ để sẵn sàng dấn thân vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do người cộng sản, "nhưng là cộng sản Việt Nam" (lời của chính ông Hồ Chí Minh) lãnh đạo. "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" nên chẳng có gì lạ là các hậu duệ của hội Hướng Thiện và của Đông Kinh nghĩa thục nhất loạt đi theo Hồ Chí Minh.
6. Kết luận
* Theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập Bộ Tuyên truyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã làm lễ giỗ Trần Hưng Đạo tại Nhà hát lớn Hà Nội và trong cả nước vào 25 tháng 9 năm 1945 (tức đúng vào ngày giỗ là 20 tháng 8 âm lịch).
* Vào phút giao thừa đón năm mới 1946, Người cải trang vào đền Ngọc Sơn, nhưng quá đông không len vào được trước ban thờ Đức Thánh Trần, đành đứng ngoài bái vọng rồi lẳng lặng ra về.
* Năm 1953 khi khai mạc lớp chỉnh huấn về đường lối chính trị cho cán bộ cao cấp trong Chính phủ, Hồ Chủ tịch, một vị lãnh tụ cộng sản, đã bắt đầu bài phát biểu từ việc phân tích sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trên toàn thế giới, trong nước và trong mỗi con người.
____________________
Tài liệu sử dụng
1. Báo Dân Quốc. Chủ nhiệm: Mai Văn Hàm, chủ bút; Tam Lang, số ra các ngày 17 và 18 / 9 / 1945; tạp chí Xưa & Nay số 79, tháng 9 / 2000 in lại một số tin và bài về Lễ kỷ nệm Trần Hưng Đạo.
2. Chính (Nguyễn Duy): Đi tìm một mảnh khuyết qua bộ sách Khâm dịnh An Nam kỷ lược. P.I. Một thời kỳ khuyết sử.-tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, No 5-6 (58-59), 2006, tr. 40.
3. Chương Thâu: Đông Kinh Nghĩa Thục.-nxb Hà Nội, 1982, tr. 18-31.
4. Cường (Lê): Đức Thánh Trần trong tâm thức Chủ tịch Hồ Chí Minh.-Xưa & Nay, số 79, tháng 9 / 2000.
5. Đại cương lịch sử Việt Nam. Trương Hữu Quýnh chủ biên.-nxb Giáo dục, T.I, tr. 457.
6. Đại Nam điển lệ toát yếu. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác phiên âm và dịch nghĩa.-nxb TP Hồ Chí Minh, 1993, tr. 131.
7. Đại Trường (Tạ Chí): Việt Nam thời Tây Sơn. Lịch sử nội chiến 1771-1802.-nxb Công an nhân dân, 2007, tr. 317.
8. Hoè (Vũ Đình): Thanh Nghị. Hồi ký. In lần thứ 2, có sửa chữa và bổ sung.-nxb Văn học, 2000, tr. 255
9. Hoè (Vũ Đình): Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh.-nxb Văn hoá-Thông tin và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2001, tr. 280; xem thêm bài của ông: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục.-tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Tết Giáp Thân 2004; tr. 323.
10. Huy (Cao Xuân): Tư tưởng phương Đông-gợi những điểm nhìn tham chiếu.-nxb Văn học, 1995, tr 196-200.
11. Hường (Vương Thị): Danh mục sách Hán Nôm in tại đền Ngọc Sơn.-tạp chí Hán Nôm, số 1 / 2000.
12. Khôi (Vũ Thế): Vũ Tông Phan, cuộc đời và thơ văn. (Biên khảo, tuyển chọn và dịch). PGS Nguyễn Đức Sâm hiệu đính.-nxb Văn học, Hà Nội, 1995.
13. Khôi (Vũ Thế): Vũ Tông Phan với văn hoá Thăng Long-Hà Nội. (Chủ biên).-Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001.
14. Kinh Đạo Nam. Đào Duy Anh khảo chứng; Nguyễn Thị Thanh Xuân phiên âm và chú thích.-nxb Lao Động, Hà Nội 2007.
15. Nguyễn Hữu Cầu, chí sĩ yêu nước Đông Kinh nghĩa thục. Chương Thâu & Hồ Anh Hải biên soạn,-nxb Lý luận chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007
16. Lê (Nguyễn Hiến): Đông Kinh Nghĩa Thục.-nxb Văn hoá-Thông tin, 2002, tr. 85-89.
17. Nguyễn Tư Giản, cuộc đời và thơ văn.-Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2001, một số bài:
1. Chí (Trần Bá): Bản lĩnh Nguyễn Tư Giản qua biến động của cuộc đời (tr. 61-62, 69).
2. Đức (Đỗ): Nguyễn Tư Giản và bản mật sớ năm 1859, tr. 47 và 49.
3. Khôi (Vũ Thế): Nguyễn Tư Giản, Trưởng môn trường Hồ Đình, tr. 92-104.
4. Nghĩ nguyên đạo (Phỏng theo nguyên đạo). tr. 206 (in kèm toàn văn chữ Hán).
18. Nguyễn Trọng Hợp, con người và sự nghiệp.-Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Hội khoa học lịch sử Hà Nội, một số bài:
1. Chương Thâu: Nguyễn Trọng Hợp qua những lời bình, tr. 156.
2. Sơn (Đinh Hương): Nguyễn trọng Hiệp (Hợp) với cách nhìn nhận của một nhà sử học nước ngoài (giới thiệu công trình nghiên cứu của Pino Perugia: Việt nam-Phong trào Cần vương, suy nghĩ về cuộc kháng chiến đầu tiên chống thực dân Pháp), tr.108-109.
3. Thuý (Hoàng Đạo): Góp ý về việc viết truyện cụ Nguyễn Quế Bình làng Kim Lủ, tr. 31.
19. Phan (Vũ Tông): Tuyển iập thơ văn.-Những người dịch: Hoa Bằng, Bùi Hạnh Cẩn... Vũ Thế Khôi tuyển chọn và giới thiệu.-Trung tâm Văn hoá và Ngôn Đông Tây, Hà Nội, 2001.
20. Poisson E.: Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam-Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918). Người dịch: Đào Hùng, Nguyễn Văn Sự, nxb Đà Nẵng, 2006, tr. 317-319.
21. Siêu (Nguyễn Văn): Phương đình tuỳ bút lục. Người dịch: Trần Lê Sáng.-nxb Văn học, 1996, tr. 177.
22. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý. Dòng họ Nguyễn Đông Tác.-Viện nghiên cứu hán Nôm và Hội Sử học Việt Nam, nxb Văn hoá dân tộc , 2000, một số bài:
1. Hà (Nguyễn Đông): Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu, một sĩ phu yêu nước, tr. 193-196.
2. Hồng (Mai), TS: Nhà giáo Nguyễn Hữu Quý, tr. 245-250.
3. Khôi (Vũ Thế): Nguyễn văn Lý với Vũ Tông Phan, tr. 41-72.
4. Nghĩa (Dương Trọng): Nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo, 251-255.
5. Sán (Vũ Tuấn): Cư Sĩ Thiều Chửu, một gương sáng kết hợp tinh thần yêu nước với đạo Thiền.
23. Tảo Trang: Hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn.-tạp chí Hán Nôm, số 4 / 1997 in lại trong sách Vũ Tông Phan với văn hoá... sđd., tr. 192-213
24. Thanh (Cao Tự): Nho giáo ở Gia Định.-nxb TP Hồ chí Minh, 1996, tr. 41,57-59, 102, 112.
25. Thơ văn Cao Bá Quát. Vũ Khiêu giới thiệu. In lần thứ 3, có sửa chữa.-nxb Văn học, 1984.
26. Tsuboi (Yoshiharu): Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa. Người dịch: Nguyễn Đình Đầu.-Hội khoa học lịch sử Việt Nam, in lần thứ 2, Hà Nội, 1992, tr. 185.
27. Tú (Đinh): Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn.-Báo Người Hà Nội số 35, ngày1 / 10 / 1986; in lại trong tài liệu I.-14, tr. 171-178.
28. Tú (Vũ Băng): Từ một tấm bia mới phát hiện của cụ Đoàn Triển: biết được ngôi trường cách tân giáo dục ở một vùng quê.-trong Thông báo Hán nôm học năm 2002, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 2003, tr. 580-585.
29. Tuyển tập văn bia Hà Nội.-Ban Hán Nôm, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978. q.II:
1. Bài ký đền Ngọc Sơn Đế Quân (Ngọc Sơn đế quân từ ký), tiếng Việt: tr. 68-70, tiếng Hán: tr.152-153; in lại (cả chữ Hán) trong tài liệu I.-14.
2. Bài ký sửa lại miếu Văn Xương (Trùng tu Văn Xương miếu bi ký), tiếng Việt: 70-72, tiếng Hán: 153-155.
30. Văn học Tây Sơn. Nguyễn Lộc tuyển chọn, giới thiệu.-Sở Văn hoá-Thông tin Nghĩa Bình, 186, tr. 92.
II. Bằng chữ Hán
A/ Lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (xếp A,B,C theo tên tài liệu)
1. Bùi thị gia phả ký (trong sách Đại Mỗ Nguyễn tộc tam vương phổ ký). - Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (từ đây viết tắt Viện NCHN), bản viết, số ký hiệu VHv. 1337. - Các cháu thứ đời 14 Huy Luyện, Huy Thiều cùng bái soạn. Đích tôn đời 15 Huy Viện bái chép. Tự Đức năm thứ 19 [1866], ngày 20 tháng 2. Về cụ Văn Mạo - tờ 30a, về ông Bùi Huy Tùng - tờ 32b-33a.
2. Cao Chu Thần thi tập. - Viện NCHN, bản viết, dấu "1967", nhưng ở các tr. 21a và 196a có dấu bầu dục "EFEO", số ký hiệu A. 299. - Thơ của Cao Bá Quát, có lẫn thơ của các tác giả khác, có lẽ đóng gộp những sách khác nhau. Các tờ 12-25 có chùm thơ hoạ đáp Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý và Trần Văn Vi.
3. Chư gia thi văn tuyển. - Viện NCHN, bản viết, có dấu bầu dục "EFEO", số ký hiệu A. 357. - Không tên tác giả; thơ văn của nhiều người. Có chùm thơ xướng hoạ vịnh Phương Đình (xin xem phân tích của chúng tôi trong bài "Thần Siêu dựng Phương Đình dạy học từ bao giờ", đăng tạp chí Hán Nôm số 4-1995).
4. Đại Nam thần lục. - Viện NCHN, bản viết, có dấu "EFEO", số ký hiệu A. 2913 (! sách Hán Nôm thư mục đề yếu ghi nhầm ký hiệu). - Không tác giả, không niên đại, có lẽ làm vào giữa đời Tự Đức; liệt kê danh hiệu các vị thần và các địa phương thờ cúng.
5. Đông Khê thi tập. - Viện NCHN, bản viết, số ký hiệu A. 1873. - Thơ của Nguyễn Văn Lý, có lẽ là sao từ bản được tác giả biên tập để gửi vào Bĩ thư các theo yêu cầu của Trung sứ do Tự Đức cử ra gặp, vì đã bỏ những câu, bài bộc lộ quá liễu thái độ chán ghét quan trường (chi tiết xin xem phân tích của chúng tôi trong bài in Thông báo Hán Nôm học 1998, in lại trong tài liệu 20 ở trên). Những câu, bài như vậy vẫn còn trong di cảo gìn giữ tại từ đường cụ Nguyễn Văn Lý.
6. Đông Khê văn tập. - Viện NCHN, bản viết, có dấu bầu dục "EFEO", số ký hiệu VHv. 2375. - Tập văn xuôi của Nguyễn Văn Lý, trong đó có bài văn tế Vũ Tông Phan (ai đó ghi số La tinh 26).
7. Hà thành linh tích cổ lục. - Viện NCHN, bản viết, dấu "1967", số ký hiệu A. 497. - Không tên tác giả, không niên đại, có lẽ vào đời Đồng Khánh; tờ 3a - về đền Ngọc Sơn.
8. Hà thành thần sắc. - Viện NCHN, bản viết, dấu "EFEO", số ký hiệu A. 840/1-8. - Tập đơn xin phong sắc và bản sao các sắc phong cho các vị thần được thờ ở 8 khu phố (gọi là "hộ") Hà Nội
9. Hạ thọ thi tập. Tự Đức Tân hợi xuân. - Viện NCHN, bản viết, dấu "1967", số ký hiệu VHv. 1150. - Thơ, văn, câu đối con cháu, bè bạn chúc mừng Bùi Huy Tùng thượng thọ 60 tuổi, trong số tiến sĩ làm thơ mừng có Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Lê Duy Trung v.v...
10. Kim Giang tướng công nhật lịch tuỳ ký. Thành Thái bát niên tuế tại Bính thân xuân chính nguyệt... - Viện NCHN, bản viết, dấu "1967", số ký hiệu A. 1125. - Tiểu sử biên niên cuả Nguyễn trọng Hợp do con trai là Duy Nhiếp soạn năm 1896.
11. Phương Đình anh ngôn thi tập. - Viện NCHN, bản khắc in, số ký hiệu A. 188/1. - Quyển 1 và quyển 2 trong bộ Phương Đình thi tập được môn siinh tổ chức khắc in; cho đến năm 1966, theo sự kiểm kê của nhà Hán Nôm học lão thành Vũ Tuân Sán, bộ ván khắc còn đầy đủ trong đền Ngọc Sơn. Có hơn hai chục bài thơ làm vào các năm 1833-1834 phản ánh những cuộc gặp gỡ với Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung...
12. Tâm pháp thiết yếu chân kinh. Khải Định Quý hợi [1923] xuân giáng trứ tại Hoà Xá vọng từ. Bảo Đại Ất hợi [1835] thu bản ký tại Ngọc Sơn kinh đàn. - Thơ ca "giáng" bút của Liễu Hạnh, Trần Hưng Đạo, Phùng Khắc Khoan... răn dạy gìn giữ đạo lý cổ truyền (làm sách từ 1923 ở Hoà Xá- Hà Đông, sau lại "giáng" tiếp năm 1927 ở đàn Phú Xuân làng Hữu Bằng - Sơn Tây).
13. Thọ Xương huyện triệu tự lệ thuyết. - Viện NCHN, bản khắc in, dấu "1967", số ký hiệu VHv. 2605 và A, 731. - Bạ tịch Văn chỉ của huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội, cuối bài Tựa khắc niên đại Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), có danh sách hội viên đến năm 1870.
14. Thượng Phúc tiến sĩ Lê đại phu hành trạng. - Viện NCHN, 1 bản viết, có dấu "1974", số ký hiệu VHv. 2606. - Tiểu sử tiến sĩ Lê Duy Trung do cháu Lê Tư viết; ở cuối có phụ chép bức thư của Vũ Tông Phan gửi Lê Duy Trung năm 1838 (nguyên bản và bản dịch có trong tài liệu ở phần I, 13 và 18).
15. Trần triều hiển thánh chính kinh tập biên. Thành Thái Canh tý [1900] trọng xuân thuyên. - Viện NCHN, bản khắc in, dấu "1967", số ký hiệu A. 2382. - Bài kinh giáng bút của Đức Thánh Trần răn dạy người đời giữ đạo Trung-Hiếu.
B/ Bảo quản tại các dịa phương và gia đình
B/1. Văn bia

1. Ngọc Sơn Đế Quân từ ký. - Bia gắn trên tường hậu điện nơi hiện nay thờ Trần Hưng Đạo. Lạc khoản khắc cuối bài ký cho biết tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1843, nội dung ghi quá trình hội Hướng Thiện sáng lập đền và tôn chỉ mục đích của Hội. Có trong các tài liệu I. -13, 14, 28.
2. Hợp tư tính thị bi ký. - Bia ghi họ tên, quê quán khách thập phương và hội viên Hướng Thiện đã đóng góp thêm kinh phí xây dựng đền trong các năm 1841-1843. Bia gắn trên tường đối xứng với bia trên.
3. Tu bổ Ngọc Sơn từ bi ký. - Bia gắn trên tường bên phải, bước vào đền ở ngoài cùng. Cột chữ đầu tiên cho biết phả An Lạc dựng đàn giảng kinh năm 1903 và ghi tên các vị quan và sĩ phu đóng góp công đức.
4. (Trán bia không có dòng đầu đề). - Bia gắn trên tường đối diện bia trên đây, ghi họ tên các phả viên An Lạc và khách thập phương đóng góp công đức; lạc khoản khắc " Thành Thái thập lục niên tuế thứ Giáp Thìn [1904] ... Phả An Lạc kính cẩn ghi".
5. Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký. - hiện dựng tạm trong gian nhà ở ngõ Văn Chỉ phố Bạch Mai. Văn chỉ Thọ Xương sau 1954 đã bị trưng dụng làm trường kỹ thuật nấu ăn; cách đây không lâu còn là trường tiểu học tư thục, nay vừa mới được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá của Văn chỉ Thọ Xương. Lạc khoản khắc cuối bài ký cho biết tiến sĩ Nguyễn Văn Lý soạn năm 1838, nội dung về quá trình lập Văn hội và xây Văn chỉ thọ Xương, mục đích của việc tạo lập này.
6. Trùng tu Hoả thần miếu bi ký. - vẫn gắn trên tường miếu này ở 30 Hàng Điếu - Hà Nội; lạc khoản khắc rõ tác giả bài văn bia soạn năm 1941 là tiến sĩ Vũ Tông Phan, chứ không phải là Tri huyện Nguyễn Thế Thường như "Từ điển di tích và văn hoá Việt Nam" (1993) viết.
7. Liên Đình Nguyễn tiên sinh bi. - hiện vẫn dựng trong nhà bia trước từ đường dòng họ Nguyễn-huy ở làng Hạ Thái huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây; bài văn bia do Trưởng môn là cử nhân Lương Văn Can soạn năm 1903.
B/2. Gia phả và thơ văn
1. Dòng họ tiến sĩ Vũ Tông Phan:
a. Vũ tộc Hoa phổ. - sao lại phả cũ vào năm 1905 đời Thành Thái, hiện cất giữ tại gia đình cụ Trưởng tộc Vũ Đình Hoè ở quận Ba Đình - Hà Nội, cùng những ghi chép và lời kể của một số vị lão thành trong họ và trong dòng họ môn sinh kết nghĩa ở Mậu Hoà thục. Về quá trình tìm lại được và thẩm định văn bản xin xem trong tài liệu I.-14.
b. Lỗ Am di cảo thi tập. - tập sách viết tay chép khoảng 400 bài thơ của Vũ Tông Phan, cũng cất giữ tại nơi trên. Về quá trình tìm lại được và thẩm định văn bản cũng xin xem trong tài liệu I.-14
2. Dòng họ tiến sĩ Nguyễn Văn Lý:
a. Đông tác Nguyễn tộc tông phổ. - Do cháu đời thứ 10 là cử nhân Nguyễn Hữu Quý sao và viết tiếp vào năm 1892 đời Thành Thái, hiện cất giữ tại từ đường cụ Nguyễn Văn Lý ở làng Trung Tự quận Đống Đa - Hà Nội, do hậu duệ dòng đích là nhà giáo Nguyễn Trà (gần 80 tuổi) đèn nhang. Có "Tự truyện" của Nguyễn Văn Lý. Theo truyền thống viết phả xưa, cụ Quý chỉ viết đến đời trên mình, nhưng cũng để lại "Tự truyện". Một số truyện về con cháu cụ Nguyễn Văn Lý do thân phụ ông Trà ghi chép và ông kể.
b. Đông Khê thi tập (2 quyển). - Di cảo của tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, đầy đủ và phong phú hơn bản lưu trữ tại Viện NCHN (xin xem II.A/5.)-Hiện một hậu duệ khác (cùng thế hệ ông Trà) là Đại tá Hải Trừng tạm giữ tại tư gia để khảo cứu).
3. Dòng họ hoàng giáp Nguyễn Tư Giản:
a. Vân Điềm - Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả. - do Nguyễn Tư Giản (tên cũ Văn Phú) "thuật" năm 1847. - Nguyễn Tư Giản cũng chỉ "thuật" đến đời trên mình. Hiện lưu giữ tại gia đình cụ Nguyễn Phiên, hậu duệ dòng đại tông ở làng Vân Điềm huyện Đông Anh-Hà Nội.
b. Nguyễn Phiên - Truyện họ Nguyễn làng Vân Điềm - Đông Anh - Hà Nội, chế bản vi tính năm 2000. Truyện về các thế hệ sau của Nguyễn Tư Giản, do cụ Nguyễn Phiên từng được nghe một người thế hệ trước kể lại.
4. Dòng họ cử nhân Nguyễn Huy Đức:
Di trạch đường hậu phả. - do nhiều hậu duệ nối nhau biên soạn, Nguyễn Huy Đức có lời tựa năm 1883. phần tục biên bằng chữ quốc ngữ do chắt đích tôn Nguyễn Huy Thiều soạn.
5. Dòng họ Vũ Đức Quang:
Gia phả họ Vũ (làng Đông Cao huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh). - do chắt nội của cụ Vũ Đức Quang là Vũ Túc (1890-?) viết lại và bổ sung bằng chữ quốc ngữ năm 1969.
6. Dòng họ cử nhân Lê Ngọc Lâm:
Lê gia phổ ký. - do cháu rể Nguyễn Quế soạn, cháu ngành thứ Lê Ngọc Châu duyệt năm Giáp dần đời Duy Tân [1914], hiện lưu giữ tại gia đình Chuẩn đô đốc Hải quân nhân dân Lê Ngọc Thuỷ.
7. Dòng họ Vũ làng Mộ Trạch:
Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích tục biên. - Phần chi III "Hiển Đức đường" do các hậu duệ từ đời 16 đến đời 21 liên tiếp tục biên, cháu đời 21 Vũ ĐìnhTriều (77 tuổi) biên tập; sự tích về Vũ Duy Đê do con trai là Vũ Đình Điềm (dời thứ 20) viết trong khoảng 1933-1943.
III. Bằng tiếng Pháp
1. Brocheux P. La revue Thanh Nghi et les questions littéraires (1941-1945). - Rev. franc. d’hist. D’outre-mer, t. LXXV (1988), p. 354
1. Dumoutier G.: Les Pagodes de Hanoi. - F.H. Schneider, 1887.
2. Poisson E.: Mandarins et subal-ternes au Nord du Viet Nam - Une bureaucratie à l’épreuve (1820-1918). - Maisonneuve & Larose, Paris, 2004, p. 130.
Tóm tắt nội dung
Là những môn đồ của Khổng Tử các Nho gia đầu triều Nguyễn đương nhiên muốn đem sở học ra phò vua giúp nước, nhưng lại lâm vào nghịch cảnh: phải phò tá vương triều nói "vương đạo"(cai trị bằng nhân nghĩa), làm "bá đạo" (áp đặt bằng cường quyền). Và họ đã tìm được đối sách bằng một cách giải quyết mới mẻ vấn đề của Nho gia là "hành-tàng": dũng cảm rút lui, "tàng" trước cường quyền để "hành" trong lĩnh vực văn hoá-xã hội, làm những việc có ích cho mọi người, qua đó mà giáo hoá họ, trước hết là những người dân nơi làng quê vốn là cơ sở của văn hoá Việt.
Mục đích ấy đòi hỏi phải có một tổ chức mới, tập họp rộng rãi hơn các hội tư văn mà quy chế bắt buộc phải có khoa danh để được tham gia. Họ đã lập ra hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn. Và họ đã tập dượt cùng nhau và cùng các tầng lớp xã hội khác trong Hội (như thương nhân, chẳng hạn) hoạt động văn hoá-xã hội: mở các trường lớp tư thục ở thôn quê, làm sách về danh nhân đất nước và phổ cập kiến thức sơ đẳng của đạo Nho và kiến thức bình thường trong cuộc sống như vệ sinh cá nhân, tổ chức thuyết giảng đạo lý cổ truyền, bài trừ mê tín dị đoan v.v... - những việc mà sau này Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ phát huy cao độ.
Một điều quan trọng đã diễn ra trong thực tế là hoạt động của họ đã chuẩn bị các cơ sở sâu xa về văn hoá-xã hội cho Đông Kinh Nghĩa Thục cả về nhận thức tư tưởng (trung với dân, lo cho dân, mở mang trí tuệ cho dân), cả về phương thức hoạt động (mở trường, thuyết giảng), cả về nhân sự (các ông đồ từ đây có thói quen vận động người khác cùng làm).
Mặc dù dưới chính thể quân chủ chuyên chế chưa có điều kiện truyền bá các "chủ trương" (danh từ của chính họ!) của mình, lớp người tiên phong trong hoạt động văn hoá-xã hội ở Hội Hướng Thiện vẫn truyền được chúng qua hai con đường là gia đình-dòng họ và môn sinh, thế hệ nối tiếp thế hệ từ hội Hướng Thiện đến Đông Kinh Nghĩa Thục. Với một số ít ỏi tài liệu tài liệu của thời trước và gia phả mới bắt đầu tiếp cận được gần đây (từ khi có đường lối Đổi mới) cũng đã lần mò ra được những tuyến truyền thừa như vậy.
(Hà Nội và Aix-en-Provence, tháng 1 / tháng 5-2007)
(Xem thêm: Bản tóm tắt tiếng Pháp L’Association Hướng Thiện, Hội thảo quốc tế "Việt Nam, thời điểm duy tân (1905-1908)" tại ĐH Aix-en-Provence, 5-2007).
{{item.Body}}
{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} |
{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}
Viết bình luận
Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.