
Dự hội thảo có đông đảo các nhà thơ. nhà văn, nhà lý luận uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam: Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Mậu, Vân Long, Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy, Văn Giá, Trần Anh Thái, Đỗ MInh Tuấn, Sương Nguyệt Minh... và nhiều nhà văn khác cùng đông đảo các thầy cô giáo, các sinh viên của khoa báo chí sáng tác ĐH Văn Hóa Hà Nội.
Đọc thêm:
Trúc Thông làm thơ như một người làm vườn chăm chút trồng tỉa từng cái cây của mình trong một vòng hàng rào dày kín. Những cây – bài – thơ của anh chậm chạp và chắc chắc vươn dần lên trong khu vườn rồi thỉnh thoảng nghe tỏa ra ngoài hàng rào dày kín kia một vài làn hương bí ẩn, là lạ, quyến rũ, những người ta không dễ phân biệt được mùi hương của loài hoa gì. Không nóng vội, Trúc Thông vẫn ngày ngày kiên trì chăm chút cho khu vườn của mình, để rồi đến một ngày, anh mở cổng vườn, mang theo một lẵng quả mà anh đã thận trọng chọn lựa, dành tặng cho chúng ta. Lẵng quả ấy có tên là Chầm chậm tới mình(1).
Phải nói ngay rằng, Trúc Thông đã chịu khó đi “săn” chất liệu cho khu vườn. Anh “săn” nó trong đời sống phong phú sôi động khắp trên đất nước, từ nơi xa tận Cao Bằng, Mộc Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Trị đến nơi gần gũi trong phố mình, trong nhà mình. Những chất liệu rút từ cuộc sống luôn được anh trân trọng, nâng niu. Anh yêu nó với tình yêu chân thành thực sự, khiến ta dễ dàng hòa nhập cùng anh cái nhìn rung động bất ngờ thú vị.
Những trẻ con hàng ngày gần cạnh chúng ta, đôi lúc sự bận bịu của công việc khiến chúng ta sao nhãng, nhưng với Trúc Thông, anh luôn để tâm đến chúng, thèm được chơi với chúng như thèm được chơi với chính anh thời bé dại:
Này trẻ con ơi
Cho tôi theo với
Tôi bé lại đây này
Tôi rất trẻ con
Tôi làm những bài ca cho mà hát
Cho tôi theo với
Quá nửa cầu rồi…
“Quá nửa cầu rồi”…câu thơ tự nhiên mà gợi nhiều liên tưởng tới cái cầu của đời người. “Quá nửa cầu rồi”, anh phát hiện ra điều lí thú trong những nét trẻ con vẽ ra trên mặt đất:
Trái đất cười thích thú được bôi lem bằng phấn trắng
gạch đỏ
than
Trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc
cười rung…gió cây.
Và Trúc Thông sững sờ ý thức điều hệ trọng trước sự ngây thơ trong trắng của trẻ con:
Cứ lần theo giấy kẹo trẻ con
sẽ gặp thiên đường
…
thật đấy mà
cứ lần theo giấy kẹo trẻ con
Thái độ trân trọng, thương yêu trẻ con ở Trúc Thông như một lời tự nhắc nghiêm trọng về giá trị nhân cách làm người. Và hơn một lần, anh luôn thổn thức trong trái tim thi sĩ một đứa trẻ con trong sáng, đẹp đẽ. Bởi thế mà những bài thơ viết về trẻ con của anh dễ truyền cảm, ngân rung. Bài ca những em bé theo công trường là một tứ gây ấn tượng mạnh: “tiếng gầm máy, tiếng va rền sắt thép – chói những mảnh tiếng trẻ thơ la hét”. Thế đấy, trẻ con lớn lên cùng với sự ra đời những công trường thời đại sôi động được anh phản ánh bằng những câu thơ khỏe mạnh mà giàu thương cảm. Ở bài khác, anh lại tạo dựng được không gian huyền ảo riêng hòa nhập vào trẻ con một cách dễ yêu:
Vâng con ơi, cha xin làm con bò
Chở đến chân trời những cuốn sách
…
Xe chúng ta đi bé tẹo dưới trời
Lại khổng lồ trước mắt bao đàn kiến
Đến một lúc, “chiếc xe” phải dừng lại theo yêu cầu của trẻ con, cha lại “hiện thành người – thổi cơm nấu nước” thật gần gũi như một thước phim cận cảnh thú vị. Để rồi:
Khởi hành cha lại thành con bò
Cho các con thấy mắt hiền hết nói
Cứ thế chúng ta đi
xe lắc lư
Thế giới cùng các con chạm vai
mỉm cười
có khi cả cười lên rúc rích
Nếu như trong vườn thơ của mình, Trúc Thông đã dành riêng một phần đất màu mỡ cho tình yêu trẻ, thì cũng chính trong khu vườn ấy phần đất anh dành cho tình yêu bạn bè, những người cùng thế hệ không kém phần trân trọng. Với những người hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, dù là người bạn viết ở xa hay người lính cùng phố, Trúc Thông như nhận lấy mất mát cho riêng mình, anh bần thần nén thương buồn để viết ra những câu thơ với lòng biết ơn:
Những bông hoa điếu phúng sẽ tàn
Bông hoa trắng đời anh ngát mãi
Mùa thu mây se se
Mùa thu mưa rào trắng
Quả tim thu bồn chồn
Hi Vọng vẫn đang đi
Khác với những rung động bồn chồn, Trúc Thông có những câu thơ khỏe rắn phóng ra từ sự dồn nén tình yêu những bạn bè đang lao động quên mình cho đất nước:
Cần cẩu cứ quay điệu vũ tròn và chậm
Những kíp thợ quay chung quanh mặt trời
…
Những bao hàng ném vào bụng con tàu trên cảng
Tôi ném mình vào trái tim các anh
Và trước sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của người bạn diễn sân khấu, anh lặng người thán phục:
Bao khán giả như chìm xa dưới thấp
Nghe như rót tự một trời cao xuống
Sao thân gần sao sang trọng tiếng em
…
Và mọi người như có gì mất mát
Khi em lau lớp phấn
Trở về lững thững dưới cây xanh
Trái tim Trúc Thông như lúc nào cũng đập trong tình bạn bè với sự trân trọng của người đi tìm cái đẹp. Khi thì anh theo người nuôi ong qua “mùa hoa nở tiếp mùa tàn lụi – tim em kề sát bước đi hoa”, khi thì anh thấp thoáng cùng những cô công nhân nông trường Mộc Châu đã xa trong những câu thơ tươi nguyên cỏ xanh sữa trắng: “sữa đang chảy dưới mây trời rất trắng – cỏ đang xanh vào mắt những đàn bò”. Lúc nào anh cũng thấp thỏm lo lắng chưa sống trọn nghĩa với bạn bè. Có lần anh đã thốt lên: “hỡi những người yêu lang bạt của chúng tôi”. Và có lần anh đã tự thú nhận:
Tôi chưa ca ngợi anh như quả núi
Tôi ca ngợi sự chất chồng
Sự vắt ra
Từ đôi cánh tay vạm vỡ kia
Từ lồng ngực cởi trần
Đựng một cái gì xa thẳm, bâng khuâng
Cái “xa thẳm, bâng khuâng” Trúc Thông linh cảm được trong lồng ngực người bạn họa sĩ thì chính nó luôn ẩn hiện trong thơ anh. Nó chính là tình cảm ấm nóng ẩn chứa phía sau cái hòa sắc lạnh:
Mẹ ngồi mẹ nhắc con mẹ đi xa
Em ngồi em nhắc người chị không về
Bạn ngồi bạn nhắc người thủy chung nhất
Lửa nhắc bập bùng tự thuở ấu thơ
Tình cảm nồng ấm ấy là sự phản chiếu của một đời sống gần gũi, cụ thể. Không phải ai cũng có sẵn cái khả năng phản chiếu ấy. Phải có một tâm hồn nhạy cảm mới chắt lọc những gì lấp lánh, trong suốt trong đời sống bề bộn hàng ngày. Sự nhạy cảm của Trúc Thông là sự cảm nhận nhanh nhạy những tình cảm tốt đẹp, đặc biệt là tình cảm người mẹ. Về bên mẹ, anh thấy lắng lọc lại tiếng vang vọng của đời sống. Anh cảm thấy, dẫu có bay tới những hành tinh khác cũng không thể thiếu hơi ấm gần gũi của mẹ. Trong một cuộc du hành tưởng tượng, Trúc Thông đã yêu cầu mẹ thân yêu một điều cảm động: “mẹ nhớ gửi cho con chiếc chiếu quê hương”. Và anh thực sự hạnh phúc trong cuộc du hành đó:
Như khép vỏ thị vào cô Tấm
Mẹ còn dụi mắt
…ta đã xa rồi
Chiếu lại cuộn trong hành trang ta
như trên ba lô người lính
…
Trong bụi lốc
hầm sâu
dưới bầu trời dọa giết
Sẽ trải lên góc hành tinh xa xăm
Anh viết nhiều thơ về mẹ. Mẹ Cao Bằng “như rừng xanh buổi sớm”, Mẹ Quảng Trị “từ chóp đỏ cháu thơ – đến bạc cằn tóc mẹ”. Lúc nào anh cũng lo lắng cho mẹ:
Xin bão táp hãy lặng đi cho mẹ
Cho bình an mái nhà nhỏ bé
Nhưng tất cả những tình cảm Trúc Thông chăm chút dành cho mẹ vẫn không níu giữ được người mẹ thân yêu trên cõi đời mãi mãi. Bàng hoàng không còn mẹ nữa như bao người từng khóc mẹ, nhưng những giọt lệ của Trúc Thông không tan trên trang giấy:
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
Người không thấy về
“Bờ sông vẫn gió” là bài thơ lục bát duy nhất trong tập thơ Chầm chậm tới mình. Đây cũng là bài thơ thành công nhất của anh, bài thơ như không còn chữ, chỉ còn tiếng ngân vọng của một tấm lòng trân trọng yêu thương.
*
Nhìn chung, thơ Trúc Thông có những tìm tòi mới, trẻ, với một nhịp điệu tâm hồn tiếp cận mạnh đời sống thực tại, hướng tới tính triết học và tính công dân nghiêm túc. Đọc thơ anh, không thấy dấu vết của sự dễ dãi, mà thấy một lao động có trách nhiệm:
Xuyên những bức tường
ta đã phải tấn công
từ ngữ những núi cao vỏ đạn
Có người bạn nói đùa: “Trúc Thông quyết chết với thơ”, là nói cái cực đoan của anh, như một người tử vì đạo. Quả thật, khi đàm đạo về thơ, lúc nào anh cũng có một thái độ nghiêm túc thực sự. Có lần đến chia tay tôi, Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha và Văn Cao trước chuyến bay vào Quy Nhơn, Trúc Thông cùng thức trắng đêm tranh luận về thơ cho đến khi thấy chúng tôi mệt quá, anh mới chịu đi ngủ. Một tuần sau, anh còn gửi theo máy bay vào Quy Nhơn cho tôi và Thanh Thảo một lá thư tranh luận tiếp. Anh nhấn mạnh: “Cần chú ý nhiều đến âm nhạc bên trong của thơ”, và kèm theo nhiều bài thơ tôi tặng tôi như để minh chứng thêm điều anh nói. Và tôi thấy tấm lòng Trúc Thông lúc nào cũng rộng mở, chỉ riêng đối với thơ, bao giờ anh cũng khắt khe. Có câu thơ như chắt ra:
Linh hồn là giọt rượu
Văng quay trong tiếng đàn
Đấy là anh nhớ lại tôi ôm đàn hát trong một đêm uống rượu cùng nhau. Nhưng đôi lúc, vì khắt khe quá mà thơ anh trở nên bí ẩn, tối nghĩa. “Đàn thụ cầm và bóng tối”, “Tìm em phía cánh đồng” là những bài thơ cầu kì, khó hiểu.
Tuy nhiên, ở thời đại cách mạng khoa học kĩ thuật tạo ra những sự vật cực kì phức tạp, thơ không chỉ dừng lại ở thị hiếu đơn giản. Nhưng cũng chính ở thời đại này, con người thực ra, trong cõi sâu thẳm của tâm hồn, thèm nhớ cái gì đó rất không phức tạp, thì thơ ca muốn đi vào lòng người “phải có một sự táo bạo đặc biệt, đó là sự táo bạo dám đơn giản”(Martunov)(1). Nói cách khác, thơ càng phức tạp thì càng tìm đến sự giản dị. Phải chăng Trúc Thông đang phấn đấu cho chính điều ấy? Và sau cái lẵng quả đầu tiên, Trúc Thông đã lại “chầm chậm” trở về vườn thơ của mình. Anh sẽ chuẩn bị cho chúng ta lẵng quả mới gì đây?
___________
(1) Tên phần thơ Trúc Thông in chung với Thời yêu thương của Đào Cảng – Nxb Tác phẩm mới, 1985.
(1) Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến – VĂN HỌC XÔ VIẾT NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY – Nxb Đà Nẵng, 1985.
*
CHÙM THƠ TRÚC THÔNG
Ghi chép về thơ
1. tinh mơ sờ lên má
một giọt nước mắt ấm lạ lùng
chưa bao giờ như thế
từ khi mẹ sinh ra
anh đã là người tình của Thơ
nàng hôn anh đắm đuối trong mơ
2. trên sự tàn rữa tôi
một câu thơ khôn ngoan đã nở
tôi đi cùng hoang mang gió
mùa thu…
3. rũa, rũa
tiếng chìm
vào quên lãng
xe đường phố rồ qua
ai cười chõ vào tai
người mải cúi
rũa, rũa
những chìa thường
chìa mở vô biên
4. mở cánh cửa cũ
bàn ghế cũ
mở tiếp một trang mới mênh mông
trên trang vở cũ
từ những cũ quen
se sẽ ai ru
ru mê hồn ru đắm đuối
chìm, chìm dần
con tàu thơ bé tẹo
cờ chỉ còn phơ phất đuôi nheo
đỉnh cột buồm sắp ngập…
những nàng Siren biển xưa Hy Lạp
vẫn thâm thù giết những nhà thơ!
5. người bán quán thật khuya mong lãi
anh nhâm nhi quán khuya chờ một cái gì
một cái gì mơ hồ sinh lãi
lãi lại sinh tiếp một mơ hồ
không mơ hồ, anh chết…
6. tôi của gió cánh đồng vô cực
trừu tượng hơn mơ những giấc mơ
ai đang tựa trán vào mỏi mệt
rơi một ngày kiếm sống nặng nề
“xích lô không chú ơi”
chở làm sao được
tôi về xa những xứ mơ hồ
vào tới cửa được nghe tiếng thở
thật đều đều hai đứa con thơ
rũ mưa đêm. Tôi biết mình trú tạm…
.
Đứng ở chợ sông
Ai đi lâu lắc tận đẩu tận đâu
bến vẫn bèo xưa trôi xuôi sông Châu
quán chợ quê hương gạch tường long đỏ
còng cây đa đứng vẫn như thuở nào
mẹ tôi đội thúng đậy mảnh vỉ buồm
đường hè chân rát đường đông bấm bùn
tôi rắc tuổi thơ loanh quanh phố chợ
chút tình thơ dại bây giờ tôi buôn
bán cho vợ con lần đầu thăm quê
bán gởi cho ai xa nước chưa về
bán cho chị tôi thuở hai mươi ấy
cùng những linh hồn lơ lửng trên quê…
.
Lát sông quê
Bến từng quãng, những đứa trẻ nghịch bơi tung tóe nước. Như mình vậy chiều hè bao năm trước.
tôi đang dọc sông quê tha thẩn. Bỗng từ ngõ sâu hiện dần ra mái tóc bạc. Một bà cụ lưng còng gần rạp đất
có phải bà từng hai tay hai lọ nước, bến sông lên từng bậc… Vẫn bà ư ngày xưa ấy về đây?
bên kia sông đã vợi nắng chiều. In thẫm hai gác chuông nhà thơ làng Móng. Nhịp chuông vọng qua sông theo bóng chiều đổ gấp
cậu-bé-tuổi-thơ-xưa tim hơi loạn nhịp. Mẹ ơi đi lâu thế, sắp tối rồi sao mẹ vẫn chưa về…
muốn sang đò ngang, ra giữa dòng, ngắm và nghe những gì thật lắng
của mẹ của cha của tuổi thơ xa lắc
vẫn sông Châu êm lặng thế thôi mà…
.
Bờ sông vẫn gió
Chị em con kính dâng hương hồn mẹ
lá ngô lay ở bờ sông
bờ sông vẫn gió
người không thấy về
xin người hãy trở về quê
một lần cuối… một lần về cuối thôi
về thương lại bến sông trôi
về buồn lại đã một thời tóc xanh
lệ xin giọt cuối để dành
trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
cây cau cũ giại[1] hiên nhà
còn nghe gió thổi sông xa một lần
con xin ngắn lại đường gần
một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi…
.
Đêm mưa thu
Em là mùa xuân
ở giữa mùa thu
mùa thu ru ru
mùa thu bão rớt
màn mưa dăng dăng
mắt em xa thẳm
nào ai hay rằng…
em đằng sau mưa
anh ngoài cánh cửa
anh ngoài đêm thẫm
anh ngoài ngàn khơi
.
Nho nhỏ mùa thu
Đôi chim câu chân son mỏ đỏ, bên bờ con sông nhỏ Sa Lung
chim ơi đi đâu đấy?
cúc cù cu chúng tôi kiếm mồi. Cúc cù cu chúng tôi rong chơi…
rồi chim bay vù. Một quãng đáp xuống. Chim lại đi đôi trong cỏ gật gù
cỏ mùa thu xanh ngả đượm chút vàng. Sông Sa Lung tháng bảy nước chảy phù sa. Trời mây rộng rãi, gió nhè nhẹ trải
vợ chồng chim như hai anh em như hai người bạn. Áo trắng, mắt cườm, chân son, mỏ đỏ. Gật gù đi trong cỏ pha thu…
{{item.Body}}
{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} |
{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}
Viết bình luận
Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.