
Đánh giá trong gần 30 năm qua, kể từ Đại hội 6 của Đảng, đất nước ta đã có những bước phát trển vượt bậc nhờ những đổi mới có tính quyết định về thể chế với bản chất là mở rộng dân chủ, Thủ tướng cũng vạch rõ, gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã chậm lại, xã hội có không ít vấn đề bức xúc, và đất nước đứng trước nguy cơ tụt hậu trong thế giới đang cạnh tranh gay gắt. Thủ tướng thẳng thắn cho rằng nguyên nhân của thực trạng này là do động lực mà những cải cách trước đây tạo ra không còn đủ mạnh. Từ đó, ông khẳng định cần có động lực mới để thúc đẩy đổi mới và phát triển. Và động lực đó là “Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.
Rõ ràng hai vấn đề Thủ tướng nêu ra như hai mấu chốt quan trọng nhất tạo ra động lực mới cho đất nước là hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, và cũng là hai vấn đề đang nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Thủ tướng hiểu rõ, hai vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác đã được đường lối của Đảng đề cập khá sâu sắc, toàn diện, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để trong thực tế cuộc sống. Bởi vậy, ở mối quan hệ giữa Dân chủ và Nhà nước pháp quyền, cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại như người ta thường nói, ông nhấn mạnh: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng… Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Hay trong vấn đề thực hiện dân chủ trong cơ chế thị trường, Thủ tướng hướng tới một sự thay đổi quyết liệt: “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh… Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước”. Đối với vấn đề nông nghiệp và nông thôn, ông yêu cầu: “Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, bởi thực tế cho thấy trong nhiều chương trình đầu tư rất lớn, trong nhiều năm của nhà nước cho lĩnh vực này, người nông dân chưa thực sự là đối tượng chính được thụ hưởng.
Với nhận thức “Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức là rất to lớn. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn”, bản thông điệp cho thấy cách tiếp cận rất thực tế của người đứng đầu chính phủ khi không lý thuyết suông mà chỉ ra những việc cụ thể cần làm. Ở một số khía cạnh, thông điệp như một tuyên chiến với những giáo điều lạc hậu, ích kỷ về thể chế, dân chủ, với những tùy tiện xâm phạm quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân của một bộ máy công quyền chưa thực sự thượng tôn pháp luật, với cách quản lý điều hành nền kinh tế còn ưu ái độc quyền, bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tài nguyên nguồn lực quốc gia còn vào tay những chủ thể kém năng lực, gây lãng phí thất thoát lớn.
Có thể nói, bản Thông điệp năm mới 2014 nóng bỏng tính chiến đấu, hợp lòng dân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập tức nhận được phản hồi rất tích cực của nhân dân cả nước. Nhiều nhân sĩ, trí thức cảm nhận Thông điệp của Thủ tướng sẽ tạo ra một cú hích, xung lực mạnh giúp đất nước thoát khỏi sự trì trệ, tạo dựng niềm tin cho người dân. Tất cả cho rằng vấn đề bây giờ không phải là bàn luận mà là hành động, thực thi cho bằng được những việc cần làm mà Thông điệp của Thủ tướng nêu ra.
Tất nhiên, ai cũng hiểu nói hay nói đúng không dễ, nhưng làm được như nói, nhất là những đại sự quốc kế dân sinh, sẽ khó khăn ngàn vạn lần. Do đó, tâm đắc, ủng hộ những quyết sách mạnh mẽ của Thủ tướng, nhưng dư luận cũng bày tỏ nỗi lo ngại chính đáng: những quyết sách đó có được hiểu, tiếp nhận và thực thi thực sự nghiêm túc, nhất là đối với hệ thống bộ máy công quyền, cán bộ các cấp còn bất cập về năng lực, phẩm chất, nhiều khi bị danh lợi tha hóa. Thực tế cho thấy, không ít quyết sách đúng đắn, sáng tạo, ích nước, lợi dân của Đảng, nhà nước đã bị vô hiệu hóa bởi những con người trong hệ thống này.

Chính tinh thần Nguyễn Chí Thanh đã góp phần làm nên bản lĩnh của Đảng và nhân dân ta, cái bản lĩnh đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế-xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối Đổi mới như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tự hào nói đến trong Thông điệp năm mới của mình.
Thông điệp của Thủ tướng sẽ được thực thi bằng tinh thần Nguyễn Chí Thanh!
Chúng ta mang niềm hy vọng đó bước vào năm 2014 đầy khó khăn thách thức.
{{item.Body}}
{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} |
{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}
Viết bình luận
Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.