Tập thơ, văn, nhạc Núi Sóc gồm có 150 tác phẩm của 52 tác giả thuộc Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Sóc Sơn (Hà Nội), do Nxb Hội nhà Văn phát hành tháng 9 – 2016. Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Sóc Sơn thuộc nhà văn hóa huyện Sóc Sơn (Hà Nội) quy tụ nhiều văn nghệ sỹ tài năng của huyện Sóc Sơn, trải qua một quá trình hoạt động hơn 20 năm trưởng thành và phát triển, Núi Sóc được ra đời đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đáng được ghi nhận, một chặng đường thể hiện quyết tâm vươn lên góp phần vun bồi xây dựng đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của một miền quê vốn có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời.
Một miền quê như tác giả Lê Văn Bát đã từng viết:
Bước chân Phù Đổng còn in dấu
Đền Sóc nghìn xưa vẫn dãi dầu
Đỉnh núi sân bay cho ngựa sắt
Nội Bài én bạc lượn năm châu (Xưa và nay – trang 11).
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thuyết Thánh Gióng sau khi đánh bại giặc Ân, đã lên đỉnh Núi Sóc bay thẳng về trời, và ngày nay sân bay quốc tế Nội Bài đưa những én bạc tung cánh trời xanh từ nước ta tới các nước trên thế giới.
Núi Sóc được ra đời là cả một quá trình tập hợp và biên soạn của nhà thơ Phạm Thành Trung (chủ nhiệm CLB Văn học nghệ thuật Sóc Sơn), tự hào về quê hương, Phạm Thành Trung đã từng viết:
Ẩn trong bông lúa đang vàng
Bông lúa uốn cong hình trăng lưỡi liềm úp sấp
Một đầu cắm xuống dòng sông Cầu
Bên những bụi tre già xõa tóc
Một đầu cắm xuống đỉnh núi Sóc
Nơi Thánh Gióng hóa thân về trời.
Đó là cả một bức tranh tâm cảm được vẻ bằng hồn, bằng tình với những gam màu đậm nhạt khác nhau nhưng đậm đà tình nghĩa, và chứa đựng những hoài cảm, những khát khao và hy vọng. Những câu thơ chân thực và giản dị, thấm đẫm tình đời, tình người và tình yêu quê hương đất nước. Nhà thơ Phạm Thành Trung đã viết về những người chồng, người cha, người anh, và người em, những thế hệ lớp lớp ra đi vì cuộc chiến tranh của dân tộc, ra đi không hẹn ngày về:
Nơi tôi sinh ra – lớn lên cùng cây và núi
Nơi hun đúc cội nguồn để cầm súng ra đi
Chiều trung du đã – Đã một ngày biệt ly
Nay trở lại thấy trời xanh xanh quá
Lại chợt nhớ một thời trai trẻ
Một thế hệ của đất này đã ngã xuống
Để có mãi một chiều trung du (Chiều Trung Du trang 259).
Núi Sóc nơi Thánh Gióng bay về trời, nơi có bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao, bài thơ một thời vang vọng ngợi ca mối tình bất tử về tấm lòng sắt son thủy chung, trọn đời hy sinh cho dân, cho nước của một người con gái trong bài thơ Núi Đôi.
Một số bài thơ hay trong tập thơ, văn, nhạc Núi Sóc:
Em vẫn chờ - tác giả Đỗ Đức Chính:
Nhìn gì ngoài đó: biển Đông
Mỏng manh từ thuở nắng hồng hoang sơ
Chân dài cho sóng ngẩn ngơ
Mắt em dìm cả hồn thơ anh rồi.
Về Nam Sơn – tác giả Nguyễn Thành Sáng:
Mùa thu cách mạng thành công
Tung bay cờ đỏ sắc hồng vàng sao
Nam Sơn anh bước chân vào
Thăm người bạn cũ biết bao ân tình
Trên đồi cây trái trĩu cành
Dưới đồng là lúa non xanh trải dài
Sân đình các cụ đua tài
Bóng cửa giao đấu miệt mài sớm trưa
Vắng nghe tiếng hát đò đưa
Mẹ ru con ngủ giấc mơ dịu hiền.
Thơ viết bên mộ Hàn Mặc Tử - tác giả Phạm Thành Trung:
Đến Quy Nhơn lòng đau đáu Quy Hòa
Qua Ghềnh Ráng viếng thăm Hàn thi sỹ
Người này đây cùng trăng muôn thế kỷ.
Cứ nao lòng và hồn cứ bang khuâng
Trăng với biển lung linh bên ghềnh núi
Đá còn đây như lời thơ thầm gọi
Xuân đến rồi sao “Người bỏ cuộc chơi”.
Trăng đang cười hay trăng lả lơi
Trăng xấu hổ bởi ngàn đèn che khuất
Nhưng với Hàn nàng trăng không thể mất
Mắt trăng buồn – trăng đang khóc thi nhân.
Bao lâu rồi khao khát đến Quy Nhơn
Về Gềnh Ráng lặng im bên mộ “Tử”
Những câu thơ nghẹn ngào từng hơi thở
“Mặt chữ điền lá trúc che ngang”.
Nhớ quặn lòng bao thi sỹ lang thang
Chế Lan Viên cùng “Điêu tàn” mãi sống
Đây Xuân Diệu với mái đầu gợn sóng
Quách Tấn về sưởi ấm ngũ thi nhân.
Đến Quy Nhơn dẫu chỉ một lần
Mai về Bắc mang lòng khao khát nhớ
Nhớ Gềnh Ráng, nhớ trăng Hàn Mặc Tử
Đau đớn đời người, rực sáng đời thơ.
Ngoài ra Núi Sóc còn có nhiều bài thơ hay của các tác giả khác như Lê Văn Bát với bài thơ Truyện Thánh Gióng; tác giả Thúy Cường với bài thơ Hồn Thiêng Núi Sóc; tác giả Đào Văn Du với bài thơ Nhớ Và Quên; tác giả Phạm Thị Hồng Đạm với bài thơ Về Quê Mẹ; tác giả Vũ Thị Hiền với bài thơ Người Ơi; tác giả Nguyễn Văn Hoàng với bài thơ Thắm Tình Quê Hương; tác giả Lê Huy với bài thơ Xôn Xao Tháng Sáu; tác giả Nguyễn Văn Kiết với bài thơ Hoa Bưởi; tác giả Lê Huy Khôi với bài thơ Lục Bát Nguyên Tiêu; Tác giả Đỗ Xuân Ký với bài thơ Quê Hương; tác giả Đào Văn Liên với bài thơ Chút Tâm Tình; tác giả Nguyễn Mạnh Nhất với bài thơ Nhớ Về Sóc Sơn; tác giả Phạm Thị Phương với bài thơ Chiều Quê; tác giả Ngô Đức Thịnh với bài thơ Hạ Vàng; tác giả Dương Huy Thông với bài thơ Bức Tranh Quê…
{{item.Body}}
{{item.Title}} - {{item.CreatedDate}} |
{{sitem.Title}} - {{sitem.CreatedDate}}
Viết bình luận
Bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu, góp ý có tính văn hóa, xây dựng và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nội dung góp ý của bạn đọc được đăng tải là do Ban Biên tập tôn trọng dư luận xã hội, nhưng đó không phải là quan điểm của Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.